Ngày 6/11/2012, Hội nghị quốc tế lần thứ 6 của TZMI về ngành công nghiệp Titan- Zircon toàn cầu khai mạc tại HongKong với sự tham gia của trên 300 đại biểu đến từ 30 nước trên thế giới, gồm các quốc gia sản xuất và tiêu thụ nguyên liệu titan và zircon: Úc, Canada, Brazin, Nam Phi, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ả Rập, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Ucraina, Nga và Việt Nam.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoành Sơn- Chủ tịch HĐQT Công ty CP tư vấn khoáng sản quốc tế S.O.N ( SonMinerals)- cho biết: Ngành công nghiệp titan- zircon Việt Nam có lịch sử từ những năm 1990 , tuy nhiên vẫn đang ở những giai đoạn phát triển đầu tiên, chủ yếu là khai thác và chế biến thô. Năm 2011 tổng sản lượng ilmenite của Việt Nam đã lên gần 1 triệu tấn, chiếm khoảng 6% tổng sản lượng đơn vị TiO2 toàn cầu. Mức tăng trưởng hàng năm đạt 12%/năm. Năm 2011, chế biến sâu (xỉ titan) chỉ chiếm 5% tổng sản lượng ilmenite sản xuất ra. Trong những năm tới, tỷ lệ này sẽ tăng lên đáng kể.

Cũng theo nghiên cứu của SonMinerals, Việt Nam đang mất dần thị trường quan trọng và khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Malaysia và Hàn Quốc. Từ năm 2001 xuất khẩu ilmenite vào thị trường Trung Quốc chiếm 10% tổng sản lượng quốc gia, tuy nhiên đến năm 2011 xuất khẩu vào Trung Quốc chiếm 94 % tổng sản lượng quốc gia. Hiện nay hầu hết (95%) sản lượng quặng titan zircon Việt Nam được khai thác và chế biến bằng công nghệ Trung Quốc. Tỷ lệ thu hồi trong khâu khai thác và chế biến đạt dưới 55% và công nghệ chế biến sâu ilmenite thành xỉ titan Việt Nam phần lớn là của Trung Quốc.

Ông Barend Coetzee- người đã tham gia tư vấn cho dự án xây dựng nhà máy TiO2 pigment của Tổng công ty Khoáng sản và thương mại Hà Tĩnh- cho biết: Việt Nam là một trong những nước có nguồn quặng ilmenite sulphat tốt nhất thế giới, tuy nhiên thật đáng tiếc là dự án sản xuất bột oxit titan bằng công nghệ sulphat sử dụng trực tiếp quặng ilmenite của Việt Nam chưa được triển khai. Ông cũng khẳng định rằng, với một nhà máy được thiết kế tốt, Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất bột màu dioxit titan bằng công nghệ clorua trên quan điểm chi phí sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Có thể nói, đây là thời điểm thách thức cho ngành công nghiệp titan- zircon Việt Nam trong bối cảnh chung của thế giới. Để đón nhận được các cơ hội tốt của trị trường, nhà sản xuất và đầu tư cần phải chuẩn bị một cách cẩn thận và kỹ lưỡng cho những dự án sắp triển khai. "Xây dựng một ngành công nghiệp chế biến sâu titan- zircon, thiết nghĩ không chỉ là câu chuyện của chính sách quốc gia mà là cố gắng của tập thể các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ cho ngành công nghiệp mang tính đặc thù này"- ông Sơn chia sẻ.

Nguồn: Tạp chí điện tử www.baocongthuong.com.vn