Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Nhật Bản cho các nước thành viên ASEAN thuộc lĩnh vực địa chất khoáng sản (ASOMM+3), từ ngày 15 đến 17 tháng 9 năm 2014, tại Trung tâm Thông tin Lưu trữ địa chất đã diễn ra Hội thảo Đào tạo về Cơ sở Dữ liệu Khoáng sản ASEAN. Đây là Hội thảo đào tạo lần thứ hai do các chuyên gia Nhật Bản thực hiện trong năm 2014.

Đoàn chuyên gia Nhật Bản bao gồm nhóm công tác 3 người của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) do Tiến sĩ Takumi ONUMA, trưởng dự án dẫn đầu và nhóm giảng viên 2 chuyên gia của Cục Địa chất Nhật Bản do Tiến sĩ Yasukuni Okubo làm Trưởng nhóm.

Tham dự Hội thảo có 33 cán bộ địa chất và công nghệ thông tin đến từ các đơn vị của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia, Công ty TNHH Chế biến khai thác khoáng sản Núi Pháo.

PGS. TS. Đỗ Cảnh Dương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam khai mạc Hội thảo

PGS. TS. Đỗ Cảnh Dương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam khai mạc Hội thảo

PGS.TS Đỗ Cảnh Dương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã đến dự và phát biểu chào mừng. Phó Tổng Cục trưởng đánh giá cao những kết quả đã đạt được qua Hội thảo đào tạo lần thứ nhất trong tháng 6 năm 2014, bày tỏ sự cảm ơn về kết quả hợp tác Việt Nam Nhật Bản trong lĩnh vực địa chất khoáng sản nói chung và CSDL Khoáng sản ASEAN nói riêng, đồng thời mong muốn các chuyên gia Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ đào tạo các cán bộ Việt Nam, phát triển hợp tác lâu dài trong tương lai.

Hội thảo lần này tập trung đào tạo nâng cao về WebGIS và các dịch vụ, phát triển các ứng dụng WebGIS nhằm thành lập, quản lý và khai thác dữ liệu, tài liệu địa chất khoáng sản, đặc biệt là các bản đồ, sơ đồ, bản vẽ địa chất khoáng sản được thành lập từ các dữ liệu địa chất khoáng sản ở các mức độ khác nhau.

Báo cáo thực hiện bài tập kết thúc khóa đào tạo của 6 nhóm học viên

Hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa thiết thực của công nghệ trong giai đoạn hiện nay trong việc nâng cao hiệu quả làm việc của chính mình, các học viên đã tích cực học tập với sự chăm chỉ và say mê, hầu hết học viên đã theo kịp nội dung đào tạo và nắm bắt được công cụ có thể sử dụng để nâng cao chất lượng thành lập tài liệu địa chất khoáng sản cũng như để quản lý và khai thác tốt các tài liệu đó.

Nhóm học viên có kết quả báo cáo cuối khóa tốt nhất

Bên cạnh nội dung chuyên môn của khóa đào tạo, đây cũng là dịp để các học viên có điều kiện thực hành kỹ năng làm việc theo nhóm, thực hành ngôn ngữ và trên thực tế đã có những tiến bộ rõ rệt. Các chuyên gia Nhật Bản đánh giá rất cao điều này. Kết quả báo cáo bài tập cuối khóa của 6 nhóm học viên đều được các giảng viên khen ngợi.

Tiến sĩ Takumi ONUMA

Tiến sĩ Takumi ONUMA, Trưởng dự án JICA và Ông Trần Hồng Hải, Giám đốc Trung tâm Thông tin Lưu trữ địa chất tổng kết và bế mạc khóa đào tạo

Trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Thông tin Lưu trữ địa chất, TS Takumi ONUMA, trưởng dự án JICA chia sẻ “Sự quan tâm của Lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, công tác tổ chức tốt của Trung tâm Thông tin Lưu trữ địa chất (CIAG), sự tham gia đông đảo và tích cực của các học viên với kết quả tốt là một điều khích lệ lớn đối với cá nhân ông trong việc xây dựng và bảo vệ các dự án hợp tác tiếp theo với Việt Nam với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản thông qua JICA”.

“CIAG là một địa chỉ tin cậy của GDGMV trong các dự án hợp tác Nhật Bản - Việt Nam về địa chất khoáng sản”, TS Takumi ONUMA khẳng định.

Tham quan thái nguyên

Tham quan Mỏ Đa kim Núi Pháo, Thái Nguyên

Bên cạnh Workshop, để các chuyên gia Nhật Bản có điều kiện tiếp xúc với một số đặc điểm địa chất và khoáng sản Việt Nam, một hành trình thực địa tham quan mỏ đa kim Núi Pháo, Thái nguyên đã được thực hiện và kết thúc tốt đẹp với sự hợp tác của Nui Phao Mining Company thuộc MASAN Group.

Văn phòng Tổng cục./.

Nguồn: Trung tâm TTLTĐC.