Điều 21, Luật Khoáng sản và Điều 22, Điều 23, Nghị định 76/2000/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2000 của Chính phủ quy định một số điểm về Giấy phép khảo sát khoáng sản như sau:

1 - Giấy phép khảo sát khoáng sản được cấp đối với khu vực không có tổ chức, cá nhân nào đang thăm dò hoặc khai thác khoáng sản hợp pháp bởi quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Diện tích khu vực khảo sát được cấp cho một giấy phép khảo sát khoáng sản không quá hai nghìn kilômet vuông (2000 km2) khoanh định theo toạ độ ô vuông, không hạn chế loại khoáng sản được khảo sát có trong khu vực đó. 
Trường hợp đặc biệt cần có diện tích lớn hơn hai nghìn kilômet vuông (2000 km2) Bộ Tài nguyên và Môi trường phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi cấp giấy phép.

2 - Thời hạn của một giấy phép khảo sát khoáng sản không quá mười hai (12) tháng. Giấy phép khảo sát khoáng sản đối với khu vực có diện tích từ một trăm kilômet vuông (100 km2) trở lên có thể được gia hạn một lần không quá mười hai tháng với điều kiện tại thời điểm xin gia hạn phải thoả mãn:

a) Chưa có tổ chức, cá nhân nào nộp đơn xin thăm dò ở đó;
b) Tổ chức, cá nhân được phép khảo sát đã hoàn thành mọi nghĩa vụ theo quy định trong giấy phép trước đó;
c) Giấy phép khảo sát khoáng sản còn hiệu lực không ít hơn 30 ngày;
d) Tổ chức, cá nhân được phép khảo sát khoáng sản phải nộp báo cáo kết quả khảo sát cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó làm rõ lý do xin gia hạn, chương trình tiếp tục khảo sát kèm theo đơn xin gia hạn giấy phép.

3 - Giấy phép khảo sát khoáng sản không được chuyển cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng. Giấy phép khảo sát khoáng sản có thể được cấp cho một số tổ chức, cá nhân cùng hoạt động trong một khu vực. Tổ chức, cá nhân nào nộp đơn xin khảo sát trước và đúng thủ tục theo quy định của pháp luật thì được xem xét trước.