Gần 1 tháng qua, nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán, tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán khoáng sản trái phép tại tỉnh Cao Bằng lại bùng phát trở lại, nhất là tại 2 huyện Trà Lĩnh và Trùng Khánh.

"Điểm nóng" nhất là mỏ măng gan bản Khuông, xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), mỗi ngày có tới hàng trăm người dân trong xã và các xã cận đến đào bới, khai thác quặng. Ngoài ra, các điểm mỏ: Tả Than, Hiếu Lễ (xã Lăng Hiếu, Trùng Khánh), Tri Phương (Trà Lĩnh)... tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ngày càng gia tăng trước sự bất lực của chính quyền địa phương. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tràn lan kéo theo việc quặng thô xuất lậu qua biên giới gia tăng, làm cho tình hình an ninh - trật tự trên địa bàn diễn biến phức tạp.

Mặc dù chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều đợt ra quân giải tỏa, ngăn chặn nhưng do lực lượng mỏng, không có kinh phí hỗ trợ thường xuyên nên tình trạng khai thác khoáng sản trái phép luôn bùng phát mỗi khi các chiến dịch giải tỏa, ngăn chặn kết thúc. Mặt khác, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép bùng phát còn do một số điểm mỏ đã hết hạn khai thác nhưng tỉnh vẫn chưa tiến hành thu hồi giấy phép và giao cho các doanh nghiệp có cơ sở chế biến quản lý như kế hoạch đề ra, khiến nhiều điểm mỏ khoáng sản ở Trùng Khánh rơi vào tình trạng vô chủ, không có người quản lý, bảo vệ...

Không chỉ gây thất thoát tài nguyên của Nhà nước, mất ổn định về an ninh - trật tự, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép gia tăng còn ẩn chứa nhiều hiểm hoạ về tai nạn lao động, điển hình như vụ 2 học sinh của Trường trung học cơ sở Thông Huề (Trùng Khánh) thiệt mạng vì sập hầm ngay trước Tết nguyên đán.

Theo Hoàng Thảo Nguyên (Theo Báo Tài nguyên và Môi trường)