Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và các nhà địa chất qua các thế hệ đã ôn lại những thành tựu to lớn của ngành, đặc biệt trong hơn 20 năm qua, đồng thời chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về nghề địa chất, khoáng sản.

125159-12ca7b30f41b2045790a.jpg

Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng phát biểu tại buổi gặp mặt

TTXVN - Sáng 1/10, tại Hà Nội, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức buổi gặp mặt các nhà địa chất qua nhiều thế hệ, nhân dịp 78 năm Ngày truyền thống ngành.

Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và các nhà địa chất qua các thế hệ đã ôn lại những thành tựu to lớn của ngành, đặc biệt trong hơn 20 năm qua, đồng thời chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về nghề địa chất, khoáng sản.

Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng cho biết, nhiệm vụ xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản và lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý chắc chắn giúp ngành Địa chất và Khoáng sản phát triển bền vững đúng với phạm vi và tầm vóc của ngành, đó là khơi dậy giá trị tài nguyên không chỉ khoáng sản mà toàn bộ giá trị tài nguyên địa chất đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đất nước, đồng thời giúp cho việc quản lý tài nguyên địa chất đa dạng, đầy đủ hơn...

Cục Địa chất Việt Nam đang phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Đến thời điểm hiện tại, dự thảo đã được đăng tải lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin Bộ Tài nguyên và Môi trường và gửi đến các bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến góp ý.

125314-478340e4cdcf199140de.jpg

Các nhà địa chất nhiều thế hệ tham dự buổi gặp mặt

Cục Địa chất Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cục đã xây dựng và trình Bộ ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược nêu trên; hoàn thiện trình Bộ hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Năm 2023, Cục Địa chất Việt Nam tiếp tục thực hiện các đề án Chính phủ. Đến nay, Cục đã thi công 26 đề án thành phần thuộc đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội”. Cục đã hoàn thành 3 đề án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt; 6 đề án hoàn thành đang trình Bộ phê duyệt; 1 đề án đang hoàn thiện để trình Bộ phê duyệt; 2 đề án đang lập báo cáo tổng kết và 14 đề án đang thi công. Cục đang hoàn thiện trình phê duyệt báo cáo tổng kết đề án “Bay đo từ - trọng lực tỷ lệ 1:250.000 biển và hải đảo Việt Nam”; đã triển khai thi công 4 đề án thành phần của đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” đúng tiến độ.

Kết quả công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản trong những năm qua không chỉ góp phần tăng thêm tài nguyên các loại khoáng sản trọng tâm, chiến lược cho đất nước, phục vụ kịp thời hiệu quả cho các quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản, mà còn là cơ sở dữ liệu khoa học đối với các ngành kinh tế như giao thông, thủy lợi, khí tượng thủy văn, nông - lâm nghiệp...

Trước yêu cầu của thực tiễn, Cục trưởng Trần Bình Trọng nhấn mạnh, thời gian tới, ngành Địa chất Việt Nam cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, với các bộ, ngành, lĩnh vực có liên quan xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản trình Quốc hội xem xét ban hành trong năm 2024.

Bên cạnh đó, ngành Địa chất tiếp tục xây dựng, đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm điều tra, đánh giá, thăm dò các loại tài nguyên trong lòng đất, lòng biển đạt hiệu quả, chất lượng cao; từng bước điều tra, đánh giá khoáng sản ẩn sâu trong lòng đất đến lớn hơn 500 m; đánh giá tài nguyên khoáng sản biển; tăng cường hiệu quả thi công các đề án mỏ tại thực địa và văn phòng.

Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao cần được đẩy mạnh bằng hình thức đào tạo và đào tạo lại, hợp tác đào tạo với nước ngoài trên cơ sở đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật hiện có. Ngành Địa chất cần xây dựng chính sách hợp lý nhằm thu hút lực lượng lao động trẻ, bồi dưỡng tạo một đội ngũ cán bộ kế cận có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành. Ngoài ra, ngành đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương, đa phương nhằm tranh thủ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, áp dụng sáng tạo vào lĩnh vực điều tra, đánh giá, thăm dò và chế biến khoáng sản cũng như công tác quản lý hoạt động khoáng sản.

125449-b8a81d64504f8411dd5e.jpg

Tiến sỹ Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt

Tại buổi gặp mặt, Tiến sỹ Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng, công tác tư vấn phản biện là hoạt động quan trọng của Tổng hội. Tổng hội đã tích cực tham gia các hoạt động tư vấn phản biện trong nhiều lĩnh vực: địa chất, khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, đào tạo và chính sách quản lý, khai thác, chế biến khoáng sản.

Thời gian qua, Tổng hội đã tham gia phản biện một số nhiệm vụ liên quan đến công tác địa chất như xây dựng Chiến lược địa chất, khoảng sản, mới đây là dự án sửa đổi Luật Khoáng sản năm 2010. Hiện, nhiều chuyên gia của Tổng hội được Hội đồng thẩm định cấp quốc gia mời là tư vấn phản biện chính cho 2 dự án quan trọng là: Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng; dự án Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại, nhóm khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 do Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng chủ trì thành lập./.

DSC_2717.jpg

Văn phòng Cục ./.