Sáng 1/3, tại Hà Nội, tại cuộc họp với Cục Địa chất Việt Nam về tình hình thực hiện nhiệm vụ 2 tháng đầu năm 2023 và dự kiến các nhiệm vụ 10 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đã chỉ đạo đơn vị sớm hoàn thiện các văn bản quản lý nhà nước quan trọng về địa chất để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

         Các văn bản này gồm: Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Khoanh định các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

Thứ trưởng cũng biểu dương việc Cục thành lập các tiểu ban xây dựng các nội dung về địa chất và khuyến khích việc sửa đổi quy định và thử nghiệm công tác kiểm tra thực địa; giám sát đề án thăm dò bằng các hệ thống trực tuyến.

tt kiên.JPG

Thứ trưởng Trần Quý Kiên chỉ đạo hội nghị

Thứ trưởng yêu cầu Cục rà soát lại các quy định của Bộ TN&MT đã hướng dẫn để xem xét sự cần thiết ban hành mới các quy định, quy chế quản lý cán bộ công chức của Cục.

Ngoài ra, Cục khẩn trương xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá các hạng mục công việc cho Dự án ”Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long”, trình Bộ vào tháng 6/2023.

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Bình Trọng - Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết: Trong 2 tháng đầu năm, Cục đã lập kế hoạch chi tiết xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (phần địa chất); tổ chức Hội thảo lần 1 ngày 22/2, dự kiến hoàn thành dự thảo đầu tiên trong tháng 5/2023 để ghép với dự thảo luật chung do Cục Khoáng sản Việt Nam chủ trì.

Đơn vị cũng hoàn thiện, trình Bộ TN&MT hồ sơ đánh giá môi trường chiến lược của nhiệm vụ “Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.

Về Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 8/2, Hội đồng thẩm định quốc gia do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì đã họp thẩm định quy hoạch. Cục đã hoàn chỉnh hồ sơ thẩm định. Trên cơ sở đó, Cục đã hoàn thiện để Bộ TN&MT trình Phó Thủ trướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định phê duyệt Báo cáo thẩm định Quy hoạch.

Đối với kế hoạch rà soát, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về công tác địa chất, Cục Địa chất Việt Nam đã hoàn thiện dự thảo trình thẩm định, ban hành: “Quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá tài nguyên cát biển làm vật liệu san lấp”; Hồ sơ dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia thực hiện năm 2022, nhóm 11 Tiêu chuẩn Địa vật lý lỗ khoan.

Cục cũng thực hiện các nhiệm vụ về khoanh định, công bố các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; khoanh định, công bố các khu vực có khoáng sản độc hại, phóng xạ. Về khoanh định, công bố các khu vực có khoáng sản, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, đơn vị đã hoàn thiện để Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Trong 2 tháng đầu năm, Cục Địa chất Việt Nam cũng đã thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng đề án thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu quốc phòng, an ninh; xác định chi phí hoàn trả việc sử dụng thông tin dữ liệu địa chất, lượng hóa và hạch toán giá trị tài nguyên địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật; đăng ký hoạt động địa chất; thống kê tài nguyên địa chất.

Ngoài ra, còn có các nhiệm vụ khác như xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, khoáng sản; biên tập, công bố, xuất bản và phát hành tài liệu, thông tin điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; các loại bản đồ địa chất, khoáng sản quốc gia; kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo sử dụng trong điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản.

Cục tiếp tục quản lý các đề án/dự án gồm: Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội”; Đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”; Dự án "Điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng lãnh thổ phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven bờ biển Việt Nam"; Đề án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long”; đề án sự nghiệp môi trường và các đề án, dự án cấp Bộ khác.

Cục trưởng Trần Bình Trọng cho biết, trong tháng 3, Cục tiếp tục tổ chức triển khai xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (phần Địa chất); hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Khoanh định các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.

ảnh a trọng.JPG

Cục trưởng Trần Bình Trọng phát biểu tại hội nghị

Đồng thời, triển khai thi công thực địa Dự án ”Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Cục tiếp tục triển khai, giải trình và khắc phục các nội dung đã được chỉ ra trong các kết luận của các đoàn kiểm tra, thanh tra và kiểm toán; kiểm tra định kỳ các nhiệm vụ khoa học công nghệ lần I do Cục thực hiện; tổ chức nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học công nghệ kết thúc năm 2023.

Cục cũng triển khai hướng dẫn thi công, kiểm tra áp dụng quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong các đề án điều tra cơ bản địa chất, địa chất môi trường; đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra hoạt động giám định tư pháp về địa chất đã được Bộ TN&MT giao trong các năm 2022 và năm 2023; lập báo cáo kết quả chính đạt được năm 2022 của 2 đề án Chính phủ trình Bộ TN&MT xem xét, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định.

 

ảnh toàn cảnh.JPG

Toàn cảnh hội nghị

Văn phòng Cục ./.