Thực hiện Quyết định số 1090/QĐ-ĐCKS ngày 23/8/2012 của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản về việc tham dự khóa đào tạo về Cơ sở dữ liệu Tài nguyên Khoáng sản cho các nước ASEAN (ENMD) do HIDA (Nhật bản) tổ chức tại Tokyo từ ngày 18-9-2012 đến ngày 26-9-2012. Tham dự khóa đào tạo có thành viên của các nước: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philipines, Thái Lan và Việt Nam.

Đoàn Việt Nam có ông Lê Tuấn Anh – Trưởng phòng Công nghệ Thông tin, Văn phòng Tổng cục tham dự.

Nội dung của khóa học tiếp tục các kiến thức của khóa học trước đây: khóa học 1 từ 28/2/2011 đến 09/3/2011; khóa học 2 từ 11/3/2012 đến 20/3/2012. Khóa học đợt 3 từ 18/9/2012 đến 26/9/2012 do HIDA tài trợ và các giáo viên của Cục Địa chất Nhật bản (AIST) trực tiếp giảng dậy, bao gồm:

- Cài đặt và thiết lập phần mềm WEB GIS

- Thiết lập các dịch vụ WEB dựa trên các tiêu chuẩn Quốc tế.

- Thực hành tích hợp dữ liệu bản đồ Địa chất, thông tin khoáng sản, dữ liệu ảnh viễn thám trên nền bản đồ Google Map trên máy chủ WEBGIS.

- Cài đặt và tìm hiểu phần mềm FOSS, GRASS xử lý ảnh viễn thám trong công tác quản lý đất đai.

- Tìm hiểu phần mềm TNT xử lý ảnh viễn thám đa phổ ứng dụng trong công tác khoanh định khu vực có các loại khoáng sản xuất lộ trên mặt.

Một số kết quả thu được sau đợt tập huấn, đào tạo:

- Tìm hiểu về phần mềm Linux Fedora và các phần mềm mã nguồn mở khác phục vụ công việc thiết lập Web Map Server, quản trị nội dung trang Web Map Server (WMS).

- Thực hành đưa dữ liệu Địa chất và Khoáng sản của bản đồ 1: 1.000.000 (thuộc dự án One Geology) vào CSDL khoáng sản ASEAN tích hợp với Ảnh viễn thám và bản đồ trên Google map.

- Tìm hiểu phần mềm TNT trong phân tích và xử lý ảnh viễn thám đa kênh (ASTER – 9 kênh) để tìm kiếm và khoanh định các mỏ khoáng sản xuất lộ trên mặt kết hợp với hiển thị trên mô hình không gian 3 chiều.

- Phần mềm TNT là phần mềm của hãng MicroImage được sử dụng phổ biến tại AIST-Nhật Bản, phiên bản sử dụng tại khóa học là phiên bản free nên có nhiều hạn chế (phiên bản có bản quyền khoảng 6.000 USD/licen).

- Thăm quan nhà máy sản xuất khí GAS tự nhiên và quy trình sản xuất Iot đồng hành tại nhà máy tại Chiba.

Hiện trạng của CSDL Khoáng sản ASEAN

- Hiện trạng về dữ liệu còn 02 nước: Lào và Campuchia chưa kết thúc việc nhập dữ liệu và đưa vào CSDL khoáng sản của ASEAN.

- Các dữ liệu thuộc tính chưa được chuẩn hóa về Font chữ.

- Cơ sở dữ liệu khoáng sản ASEAN hiện được xây dựng và đặt trên máy chủ tại Indonesia, hiện chưa có kinh phí để thiết lập và xây dựng Hệ thống CSDL dự phòng, dự án đang đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ để thiết lập CSDL dự phòng và quản trị hệ thống tại AIST (phía Nhật bản chưa có quyết định cuối cùng).

- Địa chỉ Webside để truy cập CSDL khoáng sản ASEAN: http://webgis.psdg.bgl.esdm.go.id/ogc_asomm/index.php

- Các vấn đề tồn tại của Việt Nam trong dự án CSDL Khoáng sản ASEAN:

  1. Chưa có máy chủ cài đặt Linux
  2. Chưa có phần mềm xử lý và phân tích Ảnh viễn thám TNT.
  3. Chưa thiết lập WebGIS portal
  4. Số lượng người hiểu biết sâu về Linux và các phần mềm GIS mã nguồn mở còn hạn chế.

- Đề xuất của Việt Nam tiếp tục mở rộng dự án CSDL tài nguyên khoáng sản ASEAN trong vấn đề liên kết với dữ liệu hoạt động khoáng sản.

Phương hướng hành động trong thời gian tới:

- Thiết lập hệ thống WebGIS server chạy trên hệ điều hành Linux và các ứng dụng Web dựa trên các tiêu chuẩn Quốc tế tại Việt Nam.

- Tiếp tục nghiên cứu các phần mềm đã được đã được giới thiệu như FOSS4, GRASS, TNT...

- Tích hợp bản đồ địa chất, ảnh viễn thám với CSDL khoáng sản.

- Giới thiệu ứng dụng phần mềm TNT trong xử lý ảnh viễn thám để khoanh định các diện tích xuất lộ quặng.

Văn phòng Tổng cục.