Liên Đoàn trưởng: Nguyễn Trung Kiên

Phó Liên Đoàn trưởng: Nguyễn Thế Trung

Địa chỉ: Thị trấn Xuân Mai - Chương Mỹ - Hà Nội

 

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Liên đoàn Địa chất Tây Bắc là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục Địa chất Việt Nam, có chức năng thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, trên địa bàn các tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La; thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công về địa chất, khoáng sản theo quy định pháp luật.

2. Liên đoàn Địa chất Tây Bắc là đơn vị dự toán cấp III, có tư cách pháp nhân, có con dấu được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật; trụ sở tại thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam (sau đây gọi tắt là Cục trưởng) kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm của Liên đoàn; thực hiện sau khi được phê duyệt.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, địa chất công trình - địa chất thủy văn, địa chất đô thị, tai biến địa chất, di sản địa chất, công viên địa chất, quan trắc tai biến địa chất; thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội, mục tiêu quốc phòng, an ninh theo đặt hàng của Nhà nước thuộc địa bàn các tỉnh được phân công hoặc theo phân công của Cục trưởng.

3. Gia công mẫu vật địa chất, khoáng sản thuộc các đề án, dự án, nhiệm vụ do Liên đoàn thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Cập nhật, xử lý thông tin, xác định đánh giá rủi ro, phân vùng rủi ro tai biến địa chất; theo dõi, giám sát các khu vực có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất, địa chất môi trường thuộc địa bàn các tỉnh được phân công.

5. Thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.

6. Lưu trữ, quản lý tài liệu và mẫu vật về địa chất, khoáng sản tại Liên đoàn theo quy định.

7. Tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ về địa chất; quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, tai biến địa chất, di sản địa chất, công viên địa chất theo phân công của Cục trưởng.

8. Tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về địa chất, khoáng sản.

9. Tham gia xác định ranh giới các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; khoáng sản độc hại, phóng xạ; di sản địa chất, công viên địa chất; khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia thuộc địa bàn các tỉnh được phân công hoặc theo phân công của Cục trưởng

10. Tham gia giám sát thi công đối với các đề án thăm dò khoáng sản theo quy định của pháp luật.

11. Tham gia xác định chi phí hoàn trả việc sử dụng thông tin dữ liệu địa chất, lượng hóa và hạch toán giá trị tài nguyên địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.

12. Tham gia thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về lĩnh vực địa chất, khoáng sản theo phân công của Cục trưởng.

13. Thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ về: địa chất, khoáng sản, địa chất công trình - địa chất thủy văn, địa chất đô thị, tai biến địa chất, địa chất môi trường; lập quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản; khoanh định khu vực dự trữ, cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản của địa phương, đóng cửa mỏ, thăm dò khoáng sản và các dịch vụ khác về địa chất, khoáng sản theo quy định của pháp luật.

14. Thực hiện cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi quản lý của Liên đoàn theo chương trình, kế hoạch của Cục và phân công của Cục trưởng.

15. Quản lý tài chính, kế toán, tài sản thuộc Liên đoàn; thực hiện trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách theo quy định của pháp luật.

16. Quản lý tổ chức, vị trí việc làm; viên chức, người lao động thuộc Liên đoàn theo quy định của pháp luật và theo phân công của Cục trưởng.

17. Thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao.

18. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Cục trưởng phân công.

Điều 3. Lãnh đạo Liên đoàn

1. Lãnh đạo Liên đoàn Địa chất Tây Bắc gồm Liên đoàn trưởng và các Phó Liên đoàn trưởng. Số lượng Phó Liên đoàn trưởng thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Tây Bắc chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về mọi hoạt động của Liên đoàn; ban hành các quy chế, quy định nội bộ của đơn vị.

3. Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Tây Bắc giúp việc Liên đoàn trưởng, chịu trách nhiệm trước Liên đoàn trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được Liên đoàn trưởng phân công.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức

1. Phòng Tổ chức - Hành chính.

2. Phòng Kế hoạch - Tài chính.

3. Phòng Kỹ thuật.

4. Đoàn Địa chất 301.

5. Đoàn Địa chất 302.

6. Đoàn Địa chất 306.

Các đơn vị từ khoản 4 đến khoản 6 Điều này là đơn vị hạch toán phụ thuộc, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Tây Bắc trình Cục trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đoàn trực thuộc Liên đoàn; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các phòng trực thuộc Liên đoàn.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 và thay thế Quyết định số 400/QĐ-BTNMT ngày 01 tháng 02 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Liên đoàn Địa chất Tây Bắc trực thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Tây Bắc chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

V. Sơ lược lịch sử phát triển

- 1977 Liên đoàn Địa chất III, Tổng cục Địa chất.

- 1997 Liên đoàn Địa chất Tây Bắc, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Công nghiệp.

- 2003 Liên đoàn Địa chất Tây Bắc, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường.          

- Hiện nay, Liên đoàn ĐCTB đang thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo Quyết định số 400/QĐ-BTNMT ngày 01 tháng 02 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

V. Những thành tích chủ yếu

- Thi công trên 160 đề án, lập báo cáo tổng kết nộp lưu trữ Địa chất.

            - Những khoáng sản trọng tâm được Liên đoàn tìm kiếm, thăm dò, đánh giá là apatit, pyrit, sắt, đồng, vàng, chì, kẽm, đá quý, molipden, kaolin, felspat, đá ốp lát, đá vôi, đá sét xi măng, than, nguyên liệu sứ gốm, nước dưới đất, nước khoáng, khoáng chất công nghiệp đá làm vật liệu xây dựng thông thường.

            - Đã hoàn thành lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản 3 nhóm tờ tỷ lệ 1:50.000 với tổng diện tích 4950 km2; Tổng hợp than; pyrit, vàng, địa hóa Tây Bắc Việt Nam; sắt dọc bờ phải Sông Hồng; Tổng hợp các đới và vùng chứa quặng như Cẩm Thủy - Bá Thước, Thanh Hóa; Viên Nam - Đồi Bù; Sa Pa - Bát Xát…từ đó đề xuất các nhiệm vụ tìm kiếm thăm dò.

VI. Những phần thưởng của tập thể và cá nhân đã được nhận.

            - 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì;

            - 10 Huân chương Lao động hạng Nhất đến hạng Ba;

            - 99 Huân chương Chiến công từ hạng Hai đến hạng Ba;

            - 3 lần được Chính phủ tặng Cờ thi đua luân lưu;

            - Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam;

            - 2 đồng chí: Trương Đình Long và Nguyễn Văn Ngọ được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động;

            - Liệt sỹ Nguyễn Bá Lại được truy tặng danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang.

            - 48 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Chính phủ và Bộ Công nghiệp

            Ngoài ra còn có các tập thể, cá nhân được tặng bằng khen của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hơn 500 CBCNV của Liên đoàn được tặng Huy chương vì sự nghiệp địa chất.