Để hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, không hiệu quả như hiện nay, Bộ Tài chính dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi khung thuế suất thuế tài nguyên quy định tại Pháp lệnh Thuế tài nguyên. Dự kiến mức thuế sẽ được nâng cao nhằm thắt chặt quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Trong bản thuyết trình đề nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính cho rằng, khai thác khoáng sản, đặc biệt là kim loại quý hiếm vẫn xảy ra bừa bãi, nặng về xuất khẩu thô và ít chế biến theo chiều sâu. Theo đó, dự kiến điều chỉnh nâng khung thuế suất sẽ chủ yếu đối với tài nguyên khoáng sản kim loại có giá trị kinh tế cao và không tái tạo được.

Thuế tài nguyên là nguồn thu quan trọng đối với ngân sách địa phương, vì đây là khoản thu điều tiết 100% cho ngân sách địa phương (trừ dầu khí), đồng thời là công cụ hữu hiệu để các cơ quan quản lý nhà nước có thể tăng cường việc theo dõi, giám sát hoạt động khai thác tài nguyên của các đối tượng nộp thuế ngoài việc quản lý thông qua giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến tài nguyên... 

Với khung thuế suất thuế tài nguyên hiện hành, Pháp lệnh Thuế tài nguyên vẫn chưa đạt được mục tiêu yêu cầu đặt ra là góp phần hạn chế việc khai thác tài nguyên nguyên khai quá mức, khuyến khích đầu tư chế biến quặng tinh nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên.

Việc kéo dài tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi không những phá vỡ quy hoạch tổng thể về quản lý khai thác tài nguyên, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên và ô nhiễm môi trường, mà còn giảm nguồn thu thuế và hạn chế giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu. Vì thế, để siết chặt hoạt động quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá không thể tái tạo được và để tăng nguồn thu cho ngân sách, rất cần thiết phải sửa đổi khung thuế suất quy định tại Pháp lệnh Thuế tài nguyên. 

Cụ thể, dự kiến điều chỉnh khung thuế suất thuế tài nguyên như sau: khoáng sản kim loại (trừ vàng và đất hiếm) sẽ tăng từ 1-5% lên 10-30%; khoáng sản không kim loại tăng từ 1-5% lên 5-10%. Riêng đối với nhóm tài nguyên đá quý từ mức 3-8% sẽ tăng lên 5-20%; than từ 1-3% lên 5-20%. Khí thiên nhiên sẽ điều chỉnh tăng từ 0-10% lên 6-25%.

Các nhóm tài nguyên khác vẫn giữ khung thuế suất như hiện hành: Dầu mỏ từ 6-25%; sản phẩm rừng tự nhiên 1-40%; thủy sản tự nhiên 1-10%; nước thiên nhiên 0-10%; tài nguyên khác: 0-20%.

Căn cứ khung thuế suất thuế tài nguyên, Chính phủ sẽ quy định cụ thể mức thuế suất đối với từng nhóm tài nguyên khoáng sản cho phù hợp với điều kiện thực tế của tài nguyên và hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Do đó, nếu thực hiện khung thuế tài nguyên dự kiến sửa đổi như trên thì mức quy đổi cố định sẽ là: Sắt và Mangan từ 15.000 đ/tấn lên 30.000-75.000 đ/tấn; Chì từ 20.000 đ/tấn lên 40.000-66.000 đ/tấn; Kẽm từ 40.000 đ/tấn lên 80.000-195.000 đ/tấn; Đồng từ 100.000 đ/tấn lên 200.000-600.000 đ/tấn; Thiếc từ 650.000 đ/tấn lên 1.300.000-3.900.000 đ/tấn; Than tù 4.000-6.000 đ/tấn lên 20.000-80.000 đ/tấn; Đá xây dựng từ 750đ-4.000đ lên 1.500-8.000đ/m3; Cát từ 1.000đ lên 2.000đ/m3...

Với mức giá này, nếu cộng thêm thuế và phí, giá bán của các loại khoáng sản trên sẽ bị đẩy lên mức cao hơn khá nhiều. Tuy nhiên, nếu so sánh với mức thuế tài nguyên của Trung Quốc, thì mức thuế mới này vẫn còn thấp hơn.

Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, với mức thuế suất thuế tài nguyên dự kiến tối thiểu là 10%, thì số thu thuế tài nguyên, kể tài nguyên đối với dầu khí dự kiến đạt khoảng 21.500 tỷ đồng/năm (trong đó số thu thuế tài nguyên đối với tài nguyên khoáng sản tăng trên 12 tỷ đồng/năm). Với mức thuế suất tối đa 30% thì số thu thuế tài nguyên dự kiến khoảng 22.000 tỷ đồng/năm (trong đó số thu thế tài nguyên đối với quặng kim loại tăng thêm khoảng trên 60 tỷ đồng/năm)

Theo đánh giá chung, việc nâng thuế suất thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi truờng trong hoạt động khai thác khoáng sản là điều cần thiết. Điều đó sẽ góp phần hạn chế việc khai thác tràn lan, tăng thu cho ngân sách địa phương để có nguồn kinh phí cho việc cải tạo môi trường, sửa chữa hạ tầng quanh khu vực khai thác. Đồng thời buộc các doanh nghiệp phải tính toán khai thác tiết kiệm, hiệu quả để giảm chi phí và tập trung đầu tư vào chế biến sâu, qua đó góp phần bảo vệ tài nguyên và nâng cao giá trị tài nguyên.

Bài của Hồng Phượng (Báo TN&MT ngày 22/8/2008)