Cùng với những chuyển biến tích cực của ngành TN&MT 5 năm qua nỗ lực trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật chính quy hiện đại, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, địa chất ngày càng đi vào nề nếp và tiếp tục cải cách, có thể xem như đang mở ra những thời cơ mới nâng cao giá trị đóng góp kinh tế của ngành cho đất nước.

Lượng văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản được xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, xu hướng điều tra cơ bản địa chất - khoáng sản gắn với nhu cầu, cũng như việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp ủy quyền trong cấp phép, chú trọng tổng hợp thông tin về khoáng sản phục vụ quản lý Nhà nước... đang chứng tỏ điều đó.

Một hệ quả dễ thấy là với các giải pháp đồng bộ trong công tác cấp phép hoạt động khoáng sản, trong đó có việc Bộ TN&MT ủy quyền cho Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản VN ký giấy phép thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đối với một số loại khoáng sản, nhiều hồ sơ phức tạp đã được giải quyết dứt điểm, thời gian giải quyết hồ sơ cấp phép được rút ngắn, bảo đảm các qui định của pháp luật; tháo gỡ các bức xúc về nhu cầu cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, nhất là đối với các khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, vật liệu xây dựng, gốm sứ, thủy tinh...

Cục ĐC&KS Việt Nam đã hoàn thành công tác biên tập, lập "Báo cáo tài nguyên khoáng sản", bàn giao tài liệu này cho 57 tỉnh thành phố năm 2006, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tổ chức quản lý, bảo vệ và tổ chức tốt hoạt động khoáng sản. Công tác thống kê, kiểm kê khoáng sản rắn lần đầu tiên thực hiện đã làm rõ hơn trữ lượng, tài nguyên khoáng sản của đất nước phục vụ công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch cho ngành khai khoáng cũng như các ngành công nghiệp khác có liên quan.

5 năm qua, với phương châm lựa chọn điều tra địa chất đối tượng khoáng sản trọng tâm, quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội với nguồn ngân sách đầu tư còn hạn chế, Cục ĐC&KH Việt Nam đã phát hiện nhiều mỏ khoáng sản quan trọng, tăng đáng kể kho tài nguyên khoáng sản của đất nước. Các đơn vị địa chất năng động tham gia nhiều đề án thăm dò, tổng hợp khoáng sản, quy hoạch khoáng sản, giúp các địa phương và doanh nghiệp thúc đẩy ngành khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản phát triển.

Nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2008 và những năm tiếp theo đặt ra cho Cục ĐC&KS Việt Nam nhiều việc cần thiết giải quyết, trong năm 2008 cấp lại 60 giấy phép khai thác than cho các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chủ trì rà soát và tham gia rà soát Quy hoạch khoáng sản cấp Trung ương và địa phương; xây dựng và trình ban hành Chiến lược phát triển tài nguyên khoáng sản cả nước.

Trong bối cảnh đó, những biện pháp cải cách bộ máy hành chính càng cấp thiết hơn bao giờ hết, không những chỉ để nâng cao hiệu quả bộ máy mà còn góp phần đưa hoạt động khoáng sản vào nề nếp, giảm tình trạng cấp phép và khai thác khoáng sản trái phép. Tăng cường phối hợp hoạt động với các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra.

Khả năng tham gia thực hiện chủ trương "Kinh tế hóa, tài chính hóa ngành TN&MT" của lĩnh vực Địa chất - Khoáng sản là rất lớn. Để tài nguyên khoáng sản thực sự trở thành nguồn lực quan trọng tham gia vào phát triển bền vững, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số nội dung chính sau đây:

- Tiếp tục nghiên cứu, rà soát toàn diện Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để đề xuất xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét, ban hành theo đúng kế hoạch. Tiếp tục xây dựng các văn bản pháp luật về cơ chế tài chính đối với hoạt động khoáng sản.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong  cấp phép hoạt động khoáng sản. Sớm kiện toàn lực lượng thanh tra chuyên ngành, làm mạnh công tác hậu kiểm và kiên quyết xử lý theo pháp luật các hành vi vi phạm trong quản lý cũng như thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.

- Tạo điều kiện để các đơn vị địa chất tham gia công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và đẩy mạnh hoạt động dịch vụ. Tăng cường các nhiệm vụ đặt hàng của Nhà nước và các nhiệm vụ dịch vụ trong đó tập trung điều tra, thăm dò để khai thác một số mỏ khoáng sản quan trọng, có giá trị kinh tế cao như: bauxit, titan, urani, đất hiếm, đồng, chì - kẽm...

- Kiện toàn tổ chức các đơn vị sự nghiệp địa chất phục vụ chủ trương Kinh tế hóa, tài chính hóa các hoạt động địa chất, khoáng sản, trong đó sớm hoàn thiện tổ chức, hoạt động của Trung tâm Kiểm định và Công nghệ Địa chất, Trung tâm Quy hoạch và Kinh tế Địa chất, Khoáng sản. Trong kế hoạch năm 2009 xây dựng và trình Bộ chương trình, nhiệm vụ cụ thể về tham gia thực hiện chủ trương Kinh tế hoá, Tài chính hoá ngành TN&MT của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trong đó có nhiệm vụ thu hồi một phần vốn ngân sách đã đầu tư cho thăm dò khoáng sản; định giá tài nguyên khoáng sản, đấu thầu, đấu giá mỏ khoáng sản...

- Tổ chức tốt hơn nhiệm vụ thống kê, kiểm kê tài nguyên khoáng sản hàng năm đáp ứng yêu cầu thông tin phục vụ việc hoạch định kế hoạch, xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng tài nguyên khoáng sản. Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất - khoáng sản, đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản.

Báo TN&MT ngày 17/7/2008