Đó là nội dung chính của Hội nghị: "Nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản" và Đề án "Nâng cao năng lực chất lượng đội ngũ khoa học kỹ thuật lĩnh vực địa chất khoáng sản đến năm 2030" được tổ chức vào ngày 13 tháng 5 năm 2017 tại trụ sở của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Tổng Cục trưởng Đỗ Cảnh Dương cùng các Phó Tổng Cục trưởng đã tham gia điều hành Hội nghị. Cùng dự còn có Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, chuyên viên chính, cán bộ kỹ thuật, chủ nhiệm đề án, các cán bộ, công chức, viên chức có liên quan.

Tổng Cục trưởng Đỗ Cảnh Dương cùng các Phó Tổng Cục trưởng điều hành Hội nghị
Tổng Cục trưởng Đỗ Cảnh Dương cùng các Phó Tổng Cục trưởng điều hành Hội nghị

Trải qua hơn 70 năm xây dựng và phát triển, ngành địa chất thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất và thăm dò khoáng sản đã thu được những thành quả rất to lớn. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật có cơ hội tham gia các khóa đào tạo trong vào ngoài nước dưới nhiều hình thức khác nhau, nhiều đề án lớn đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu về trữ lượng, tài nguyên, phát hiện nhiều mỏ và điểm mỏ có giá trị công nghiệp góp phần không nhỏ vào kết quả phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy vậy, cho đến nay đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ lĩnh vực địa chất và khoáng sản đã bộc lộ những hạn chế nhất định trong công tác điều tra cơ bản về địa chất về khoáng sản. Thiếu cán bộ có trình độ chuyên sâu về nhiều lĩnh vực: địa vật lý, địa chất biển, cấu trúc, magma, biến chất, địa tầng, địa hóa... Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và thăm dò khoáng sản đặt ra một số vấn đề cấp thiết cần giải quyết, đó là: điều tra địa chất khoáng sản biển, nhất là vùng biển sâu; đánh giá khoáng sản ẩn sâu, cấu trúc phức tạp; khoáng sản phi truyền thống (khí đá phiến, khí hydrate). Hội nghị trên được tổ chức với các mục tiêu là: Nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và xây dựng đội ngũ cán bộ địa chất đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị trực thuộc đã tham gia với các bài tham luận, góp ý xây dựng, thẳng thắn, đúng trọng tâm đối với từng nội dung như: Các hạn chế và các giải pháp khắc phục trong các năm tới của từng mảng công việc, nhóm đề án; phản biện, trao đổi để hoàn thiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản năm 2017 và các năm tiếp theo. Thảo luận các giải pháp đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên khoa học, kỹ thuật đủ tầm để ứng dụng các công nghệ, trang thiết bị, phương pháp hiện đại trong điều tra địa chất về khoáng sản.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu và kết luận Hội nghị, Tổng Cục trưởng Đỗ Cảnh Dương đã yêu cầu và đề nghị các đơn vị thực hiện các giải pháp và định hướng chính sau:

- Nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản, đặc biệt là điều tra địa chất khoáng sản biển, điều tra môi trường địa chất và tai biến địa chất.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các đề án Chính phủ. Trong đó, tập trung nhân lực chí lực để triển khai thực hiện tốt đề án: ”Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội.

- Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các đề án vốn thường xuyên.

- Đào tạo nâng cao nhận thức và trình độ cán bộ làm công tác điều tra địa chất khoáng sản Biển.

- Đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Thông qua đề án Tây Bắc: xây dựng mô hình phối hợp giữa cơ quan quản lý với các đơn vị các và tập thể tác giả thi công từng đề án thành phần; dự kiến thiết lập hệ thống quản lý xuyên suốt thông qua mạng Intenet để nắm bắt thông tin thường xuyên.

- Xây dựng cơ chế khuyến khích cho các cán bộ quản lý và lực lượng kỹ thuật nâng cao trình độ ngoại ngữ.

- Phấn đấu nâng cao chất lượng các phương pháp trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, cụ thể:

  + Công tác địa chất: nâng cao chất lượng công tác thu thập tài liệu nguyên thủy bằng cách: tuân thủ qui trình qui phạm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu thập tài liệu nguyên thủy. Đảm bảo thu thập tối đa các thông tin về địa chất, khoáng sản tại thực địa. Tăng cường công tác phân tích nhanh tại thực địa.  

 + Công tác phân tích mẫu: rà soát hoàn chỉnh các qui trình phân tích mẫu, đảm bảo nâng cao chất lượng công tác phân tích mẫu đối với các loại khoáng sản như: Au, Sn, W và các nguyên tố quí hiếm khác.

 + Công tác đo địa vật lý và xử lý các tài liệu đo: Khi áp dụng các phương pháp địa vật lý đúng đối tượng và cần tiến hành đo thử nghiệm chắc chắn trước khi triển khai đại trà; Tăng cường đầu tư cho công tác xử lý tài liệu, đảm bảo chất lượng, tiến độ. Đặc biệt, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ địa chất với địa vật lý trong việc xử lý số liệu. Đầu tư cho đào tạo các chuyên gia chuyên về xử lý số liệu.

Văn phòng Tổng cục./.