Mỗi năm qua đi, kết quả công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, quản lý nhà nước về khoáng sản của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tiếp tục bổ sung thêm những thành tựu, viết tiếp những trang sử vẻ vang cho ngành Địa chất Việt Nam, đó là phát biểu của Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam tại Lễ Gặp mặt 74 năm Ngày truyền thống Ngành Địa chất Việt Nam (1945-2019).

Sáng 06/10/2017 tại số 06 Phạm Ngũ Lão - Hoàn Kiếm - Hà Nội, Tổng hội Địa chất Việt Nam phối hợp cùng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ Gặp mặt 74 năm Ngày truyền thống Ngành Địa chất Việt Nam (1945-2019). Lễ Gặp mặt vinh dự có sự hiện diện của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Đặng Vũ Minh; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên; Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Hải Dũng; Nguyễn Linh Ngọc; Ban Lãnh đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Nguyên Lãnh đạo Tổng cục và Cục qua các thời cùng đông đảo cán bộ công nhân viên đã và đang làm việc trong Ngành Địa chất Việt Nam.

Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐC&KS VN, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam PGS.TS Đỗ Cảnh Dương phát biểu tại buổi Lễ

Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐC&KS VN, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam PGS.TS Đỗ Cảnh Dương phát biểu tại buổi Lễ

Tại buổi Lễ, PGS.TS. Đỗ Cảnh Dương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam đã phát biểu: Trong năm vừa qua, một trong các sự kiện quan trọng, đó là các nhà Địa chất Việt Nam đã tổ chức thành công “Đại hội khu vực về Địa chất, Tài nguyên Khoáng sản và Năng lượng Đông Nam Á lần thứ 15” (GEOSEA XV), có sự tham gia của 500 đại biểu chính thức trong nước và quốc tế, trong đó có 112 đại biểu quốc tế thuộc 24 đoàn đại biểu; với khoảng 165 bài báo quốc tế được đăng trong tuyển tập khoa học.

GEOSEA XV là bằng chứng về khả năng tổ chức Hội nghị địa chất quốc tế của Việt Nam; đó là sự đóng góp, phối hợp của các nhà địa chất nhiều thế hệ khác nhau thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, các Viện, các Trường, các Tổ chức quốc tế.

Về công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 67 thay thế Nghị định số 203 quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, dự thảo các nghị định quản lý cát sỏi lòng sông, bảo vệ lòng bờ bãi sông và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 33 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực địa chất khoáng sản và tài nguyên nước cũng đang được hoàn thiện lần cuối trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành. Những Nghị định này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để công tác quản lý nhà nước về khoáng sản được chặt chẽ, hiệu quả hơn, đồng thời khắc phục được những tồn tại, hạn chế và giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản ở cả cấp Trung ương và địa phương thời gian qua.

Trong năm qua, ngành Địa chất đã và đang triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, có thể kể đến như sau:

- Ngoài nhiệm vụ chính là điều tra, đánh giá tài nguyên than phần đất liền bể Sông Hồng, chúng ta đã hợp tác với Canada để đề xuất phương pháp khai thác than ở độ sâu 600-800m bằng công nghệ khí hóa than;

- Việc xác định các thân quặng công nghiệp ở dưới đáy bồn trầm tích là cơ sở để đạt được mục tiêu trữ lượng trong đề án thăm dò Urani khu Pà Lừa - Pà Rồng;

- Việc tổ chức triển khai đề án có quy mô lớn, nhiều đơn vị tham gia với cách tiếp cận mới trước sự thay đổi của thực tiễn địa chất để điều hành sản xuất linh hoạt đang được thực hiện trong đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”;

- Với việc sử dụng các thiết bị mới, hiện đại đã tổ chức Bay đo từ - trọng lực tỷ lệ 1:250.000 trên biển được 160.000 km2.

Những thành quả nêu trên là sự đóng góp tích cực của các nhà Địa chất Việt Nam nhiều thế hệ khác nhau.

Năm 2020 đang đến rất gần, là năm kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành Địa chất Việt Nam; thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Tổng cục đang tích cực chuẩn bị cho tổ chức hàng loạt các sự kiện tại Lễ kỷ niệm. Trong đó, sẽ tổ chức Hội nghị Khoa học về địa chất, khoáng sản và nhiều hoạt động khác.Trên tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 02-NQ/TW về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, nhiệm vụ đặt ra cho ngành Địa chất còn rất lớn.

Thực tế, triển khai hoạt động điều tra cơ bản về địa chất, thăm dò khoáng sản thời gian qua; đặc biệt là việc hợp tác với các đối tác như: Nga, Anh, Nhật Bản, Canada..., đã xác định được một số cấu trúc ẩn sâu có triển vọng về khoáng sản như Urani, Đồng, Vàng, Volfram..., tạo lòng tin, tiền đề để chúng ta đẩy mạnh hơn nữa công tác điều tra cơ bản địa chất, đánh giá khoáng sản đến nhiều chục năm sau.

"Trong công cuộc đổi mới hôm nay, tri ân các thế hệ những người địa chất đã đi trước, tiếp tục phát huy truyền thống của ngành Địa chất Việt Nam trong 74 năm qua, thế hệ những người làm công tác địa chất hôm nay đã, đang và sẽ chủ động hơn nữa, lao động sáng tạo hơn nữa để tìm thêm nhiều tài nguyên khoáng sản, góp phần làm giàu cho đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta", Tổng Cục trưởng Đỗ Cảnh Dương khẳng định.

Văn phòng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam